Ti bình vs. ti trực tiếp: Câu chuyện đi tìm chiếc bình sữa hoàn hảo
- heartfrommarley
- Nov 24, 2022
- 13 min read
Updated: Mar 6, 2023

Mục lục
Ti trực tiếp hay ti bình? Bình sữa có phải tội đồ?
Theo thời gian, xu hướng cho con ti bình thay cho ti trực tiếp hoặc kết hợp cả ti bình và ti trực tiếp ngày càng phổ biến với các mẹ bỉm sữa, ngay cả với những mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Cuộc sống bận rộn, nhiều mẹ vì yêu cầu công việc hoặc lý do cá nhân mà cần quay trở lại công việc sớm. Khi đó, chiếc bình sữa trở thành trợ thủ đắc lực của mẹ, vì việc hút sữa và tích trữ sữa cho con cũng quen thuộc như một công việc hàng ngày.
Khi mình chuẩn bị sinh bé Trứng, một người họ hàng nhà nội của Trứng có sang chơi và khuyên mình đừng dùng bình sữa cho con mà hãy cho con ti trực tiếp. Bác ấy có nói vì thế này vì thế kia. Mặc dù mình không bị tác động nhiều bởi những điều bác nói, vì lúc đó mình đã xác định mình sẽ làm thế nào. Nhưng mình hiểu rằng suy nghĩ của bác cũng là suy nghĩ của rất rất nhiều phụ huynh thuộc thế hệ trước.
Cho tới khi bé Trứng ra đời, có những khoảng thời gian vì cho con ăn cực quá. Một phần cũng do mình gặp nhiều áp lực, stress, mệt mỏi, mình đã từng ước giá như ngay từ đầu tập cho con ti trực tiếp - đừng hút sữa, đừng dùng bình sữa làm gì nữa. Thêm quá nhiều công đoạn phải làm!
Thế nhưng, cho tới bây giờ, nhìn lại cả quá trình nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp với sữa công thức của mình, một cách khách quan nhất, mình vẫn nghĩ cho con ti bình là một lựa chọn đáng để bạn cân nhắc và áp dụng.
Đương nhiên, quyết định cuối cùng luôn thuộc về bạn - một người mẹ luôn hiểu điều gì tốt nhất và nên làm nhất cho con và cho bản thân. Không có đúng sai tuyệt đối, chỉ có điều gì là phù hợp nhất với bạn, dựa trên kiến thức, điều kiện, hoàn cảnh, môi trường riêng của bạn.
Dưới đây là một số mặt tiêu cực và tích cực của việc sử dụng bình sữa. Mình muốn đề cập để bạn có cái nhìn toàn diện nhất trước khi cân nhắc lựa chọn có nên áp dụng bình sữa cho cách nuôi con mà bạn muốn hay không.
Bình sữa KHÔNG NÊN vì...
Thứ nhất, tốn kém:
Chiếc bình sữa không bao giờ đi một mình. Xác định cho con ti bình là bạn xác định rất nhiều chi phí phát sinh. Không đơn giản như hai bầu sữa mẹ - sẵn có, tự nhiên, trực tiếp, không cần dụng cụ, không thêm chi phí.
Để nuôi con bằng sữa mẹ mà không ti trực tiếp, ngoài bình sữa, bạn sẽ cần máy hút sữa, bình trữ sữa, túi trữ sữa. Còn nếu như bạn nuôi con bằng sữa công thức (hoặc kết hợp cả sữa mẹ và sữa công thức) thì tiền sữa hàng tháng cũng là khoản chi tiêu đáng kể.
Thêm nữa, đã dùng bình sữa thì chắc chắn không thể không dùng tới cọ rửa bình, nước rửa bình, máy hấp/sấy/tiệt trùng bình sữa…
Thứ hai, mất thời gian:
So với ti bình thì ti trực tiếp rõ ràng nhanh - gọn - nhẹ. Đến giờ con ăn mẹ kéo áo lên. Con ăn xong kéo áo xuống. Không có chuyện lúi húi, lọ mọ cọ bình, rửa bình, sấy bình, úp bình, cất bình.
Chưa kể nếu bạn hút sữa cho con ti bình, thì ngoài việc vệ sinh một rổ bình và phụ kiện máy hút sữa, bạn cũng mất thêm chút thời gian cho việc chia sữa vào túi trữ, sắp xếp sữa trữ đông…

Bình sữa NÊN vì...
Nhiều người nghĩ rằng việc cho bé ti bình thay vì ti trực tiếp không tạo ra sự gắn kết giữa mẹ và bé. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân mình, và quan sát rất nhiều trường hợp xung quanh, mình cho rằng suy nghĩ đó không đúng. Ti bình không làm giảm mức độ kết nối giữa mẹ và bé. Cách bạn giao tiếp với con trong sinh hoạt hàng ngày nói chung và trong khi cho bé ti bình nói riêng, mới là tác nhân ảnh hưởng tới sự kết nối này.
Bên cạnh đó, ti bình còn tạo điều kiện cho các thành viên khác trong gia đình (đặc biệt là bố bé) gắn kết hơn với bé, thông qua việc thay bạn cho bé ăn. Nhờ vậy, bạn cũng tranh thủ được thời gian nghỉ ngơi, làm việc cá nhân - thay vì luôn phải kè kè ôm bé trước ngực mỗi khi đến giờ con ăn.
Trong trường hợp bạn muốn dặm thêm sữa công thức cho con ngoài sữa mẹ, ti bình là lựa chọn không thể thay thế.
Cho con ăn bằng bình cũng giúp bạn theo dõi được chính xác lượng ăn của con, để không phải lúc nào cũng lăn tăn không biết con ăn đủ hay ăn thiếu.
Ngoài ra, cá nhân mình nghĩ rằng ti bình giúp bé độc lập sớm trong việc ăn uống, bé biết tự cầm bình ăn, không phụ thuộc vào mẹ, giúp bé cai ti sớm (cai ti không phải cai sữa mẹ nha), thuận lợi hơn cho mẹ nếu mẹ muốn quay trở lại công việc sớm hoặc gửi con đi lớp sớm....
Đi tìm chiếc bình hoàn hảo cho con
Nếu bạn cũng là một người lần đầu làm mẹ như mình, chắc hẳn bạn cũng trải qua cảm giác hoang mang khi đứng trước vô vàn sự lựa chọn. Đủ các loại bình, đủ các hãng, kiểu dáng, chất liệu, kích thước… Làm sao để chọn? Biết bắt đầu từ đâu? Loại nào là tốt nhất?
Vì mỗi loại bình đều có những ưu nhược điểm riêng - bất kể hãng, nước sản xuất hay thương hiệu. Cũng không có chiếc bình nào “tiêu chuẩn vàng” hay được chứng nhận bởi chuyên gia là “xịn” nhất. Nên câu trả lời cho chiếc bình hoàn hảo nhất là chiếc bình do chính con bạn bình chọn!
Mình biết bạn đang nghĩ mình có bị “ảo” không??!! (hehe) Nhưng sự thật là như vậy. Chiếc bình tốt nhất là chiếc bình con hợp tác, thích ăn, ăn ngoan. Và đương nhiên, bạn cũng phải cảm thấy tiện lợi khi thao tác và sử dụng.
Mình không thể thay bạn tìm ra chính xác chiếc bình đó. Nhưng mình có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định trong hằng hà sa số lựa chọn ngoài kia.
Mình tin là bạn sẽ tìm ra chiếc bình phù hợp nhất cho cả bé và bạn - sau khi đọc kỹ những tips chọn bình sữa mình chia sẻ dưới đây.
Phân loại bình sữa theo các tiêu chí
Chất liệu thân bình | Kiểu dáng bình | Dung tích bình | Chất liệu núm ti | Kiểu dáng núm ti | Tốc độ chảy |
Nhựa (plastic) | Cổ rộng (wide) | Nhỏ (125ml trở xuống) | Cao su (latex) | Núm thường (núm ti hẹp và dài) | Nhanh |
Thủy tinh (glass) | Cổ hẹp (standard) | Lớn (170ml trở lên) | Silicone | Núm mô phỏng ti mẹ (núm ti to và ngắn) | Chậm |
Silicone | Cổ cong (angled) | | | Núm dẹt (núm thiết kế để vừa miệng bé và dựa trên cử động bú mút vú mẹ) | |
Thép không gỉ (inox / stainless steel) | | | | | |
Nguồn: babysparks.com
7 tips chọn bình sữa cho bé theo kinh nghiệm của mình
#1 - Mua thử của 2 hãng khác nhau, mỗi hãng 2 chiếc bình
Nếu bạn đang lên kế hoạch mua đồ dự sinh, và định mua 6 chiếc bình của cùng một hãng - vì bạn biết rằng khi mới sinh bé sẽ ăn nhiều cữ sát nhau, sẽ không có thời gian để rửa bình liên tục. Thì mình khuyên bạn không nên.
Thay vào đó, bạn hãy lựa ít nhất 2 hãng bình khác nhau (kiểu dáng khác nhau càng tốt), và chỉ mua trước 1- 2 chiếc bình của mỗi hãng. Lý do là bạn sẽ không biết con thích ăn bình thế nào, cho đến khi bạn thực sự cho con ăn.
Theo suy nghĩ của mình, hầu hết em bé sẽ chấp nhận và làm quen ngay với chiếc bình đầu tiên được đưa vào miệng. Nhưng tất nhiên sẽ có ngoại lệ. Vậy nên bạn cần thử. Nếu thấy con hợp tác với loại bình nào thì lúc đó bạn mua thêm vài chiếc nữa cũng chưa muộn.
Mình thuộc kiểu mẹ tính trẻ con, tò mò và thích thay đổi. Nên trước khi sinh mình sắm cho Trứng 4 loại bình khác nhau - mỗi loại 1 chiếc. Và mình để ý là con chỉ hợp tác với 2/4 loại (Comotomo và Avent). Cứ đến cữ dùng 2 bình kia là con ăn rất ít, không chịu bú, mình lại phải đổi bình con mới chịu ăn. Cuối cùng mình chung kết bình Avent và lúc đó mới mua thêm 3 - 4 chiếc bình nữa cùng hãng.
Vậy nên, nếu ngay từ đầu bạn không biết mua bình nào, thì câu trả lời là hãy cứ thử và để cho em bé của bạn chọn!
#2 - Chọn bình và phụ kiện bình sữa gắn nhãn BPA-free (không chứa BPA)
BPA (viết tắt của Bisphenol-A) là một chất hóa học nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng nhựa polycarbonate (nhựa PC), nhựa epoxy và nhiều loại nhựa khác.
BPA được ứng dụng trong sản xuất rất nhiều đồ tiêu dùng bằng nhựa như chai nước, các loại hộp đựng bằng nhựa, đĩa CD, DVD, đồ điện tử gia dụng, chất trám răng, giấy in hóa đơn nhiệt… Và trong đó phải kể đến bình sữa trẻ em.
Những nghi ngờ và tranh cãi về tác hại của BPA tới sức khỏe con người đã xuất hiện từ cách đây hơn 10 năm. Nghiên cứu cho thấy, khi bị làm nóng ở nhiệt độ cao (như dùng nước nóng để pha sữa, tráng, tiệt trùng) hoặc bị tẩy rửa mạnh bằng hóa chất, tiếp xúc với acid, BPA trong các đồ nhựa có thể bị giải phóng và hòa tan vào thực phẩm, từ đó đi vào cơ thể người.

Sự nguy hiểm của BPA đối với sức khỏe con người là gây ra các chứng bệnh có thể kể đến như:
Dậy thì sớm ở trẻ nhỏ
Ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt
Vô sinh
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hen suyễn
Suy giảm chức năng gan, chức năng não, chức năng tuyến giáp, hệ miễn dịch
Tăng nguy cơ béo phì, tim mạch, đái tháo đường…
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao BPA-free là tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn các sản phẩm cho bé, đặc biệt là bình sữa, núm ti. Một vài tips để chọn và sử dụng bình sữa bằng nhựa an toàn cho bé, đó là:
Tránh chọn bình nhựa cứng, trong suốt; nên chọn bình có màu đục hơn và nhựa mềm hơn
Tránh bình nhựa số 3 (PVC), số 6 (PS) và số 7 (PC)
Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc bình nhựa với nhiệt độ cao, nước quá nóng, hóa chất tẩy rửa quá mạnh, dùng trong máy rửa bát hoặc lò vi sóng…
Cách tốt nhất là bạn nói không tuyệt đối với các loại bình sữa bằng nhựa, và sử dụng bình thủy tinh như mình sẽ nói tiếp ngay ở mục dưới đây.
#3 - Ưu tiên bình thủy tinh
Là người yêu thích lối sống xanh nên không chỉ bình sữa mà các đồ dùng hàng ngay của Trứng và gia đình mình cũng cố gắng tìm kiếm chất liệu thay thế cho nhựa một cách tối đa (như inox, thủy tinh, gỗ…)
Và dù không sống xanh đi nữa, nghĩ tới nhựa - cho dù nhà sản xuất có khẳng định làm từ nhựa an toàn và cao cấp tới đâu, dù có không chứa BPA - mình vẫn có gì đó không thích. Bạn biết rằng nhựa nói chung gặp nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất có hại, hoặc sử dụng trong thời gian quá dài cũng dễ bị biến chất. Về độ bền và độ an toàn, chất liệu nhựa không cao bằng thủy tinh.
Bình thủy tinh có một số nhược điểm là dễ vỡ, không tiện cho việc di chuyển, mang theo, giá thành cao. Nhưng hãy tin mình, đó là một khoản đầu tư rất đáng tiền.
Trước hết, với bình thủy tinh, bạn không bao giờ cần lo lắng vụ BPA-free. Bình thủy tinh tự thân không chứa thành phần BPA. Thêm nữa, bình thủy tinh có tính hao mòn thấp, tuổi thọ cao. Trong khi dùng bình nhựa bạn phải thay thường xuyên. Vì dễ ố màu và dùng lâu ngày cũng dễ biến chất. Nhất là bình sữa thường xuyên chịu tác động từ việc pha với nước nóng/ấm, hấp luộc, tráng nước sôi, tiệt trùng…
Mình đã tính rằng một chiếc bình thủy tinh chỉ cao hơn bình nhựa khoảng 200 -300k nhưng thời gian sử dụng là vĩnh viễn (trừ khi bị vỡ, sứt mẻ). Trong khi đó, với bình nhựa, bạn phải thay định kỳ 1-3 tháng/lần tùy tần suất sử dụng. Tính sơ qua cũng thấy trong 1 năm bình nhựa vẫn “ngốn” của bạn nhiều hơn bình thủy tinh.


Hơn nữa, thực tình mà nói, bình thủy tinh cũng không quá “mỏng manh dễ vỡ” như bạn nghĩ. Ừ thì, đúng là các em ấy cộp mác “Fragile. Handle with care”. Nhưng ý mình là bạn sẽ không dễ làm vỡ bình như bạn lo sợ. Chỉ cần chú ý hơn một chút khi dùng, bạn cũng có thể bảo toàn chiếc bình tới khi con bạn không ăn bằng bình nữa.
Ví dụ mình mua cho Trứng 3 chiếc bình Avent thủy tinh: 2 bọc silicone và 1 trơn. Tính đến giờ gần 2 năm sử dụng. Nhưng mới chỉ có chiếc bình trơn bị sứt mẻ một chút ở phần miệng. Hai chiếc còn lại Trứng vẫn đang dùng để ăn. Bật mí thêm với bạn là cũng không dưới ba lần mình làm rơi hoặc va đập mấy ẻm đâu.
Tùy hoàn cảnh, bạn cũng có thể cân nhắc phương án dùng kết hợp cả bình nhựa và bình thủy tinh. Trong đó, bình thủy tinh dùng hàng ngày lúc bình thường. Còn bình nhựa dành cho các dịp đi chơi, đi du lịch để mang theo nhẹ và tiện hơn.
Một lựa chọn khác cho bạn đó là bình silicone - như chiếc bình của hãng Comotomo mà mình dùng cho Trứng ngay lúc mới sinh. Bình silicone có ưu điểm là bền, nhẹ, không-bao-giờ-vỡ. Tuy nhiên vẫn bị đổi màu và có mùi theo thời gian sử dụng. Đó là lý do mình cũng chỉ dùng cho Trứng đến hết một tháng đầu sau sinh. Lưu ý là ngay cả với bình silicone, bạn vẫn nên chú ý chọn bình có nhãn BPA-free nhé.
Còn cá nhân mình, để chốt lại một câu ngắn gọn, mình vẫn mãi trung thành với bình thủy tinh :D
#4 - Dùng bình cổ rộng thích hơn bình cổ hẹp
Nếu như bạn cho bé ăn sữa mẹ hoàn toàn thì không cần bận tâm tới vụ “cổ vai gáy” này. Nhưng nếu bạn cũng cần pha sữa công thức giống mình, có lẽ bạn sẽ hiểu ý mình là gì.
Trứng được cho 2 chiếc bình Nuk thủy tinh cổ hẹp. Mỗi lần múc sữa mình phải hết sức chú ý. Vì chỉ cần lỡ rung tay một chút là sữa bay ra ngoài hoặc dính tèm lem trên miệng bình. (Càng khó chịu hơn khi mình là đứa bị ám ảnh với việc rơi vãi.)
Ngoài vụ dễ múc sữa, bình cổ rộng cũng dễ thao tác hơn khi rửa và dễ làm sạch hơn. Bạn có thể thoải mái đưa cọ vào vệ sinh bên trong bình.

#5 - Tiết kiệm chi phí bằng cách mua bình size to từ đầu
Những bình size nhỏ có dung tích từ 60 - 120ml, thích hợp dùng cho bé mới sinh vì mỗi cữ lượng bé ăn rất ít. Chỉ cần qua 1 - 2 tháng tuổi, lượng ăn trong mỗi cữ của con đã có thể tăng lên trên 120 - 150ml. Lúc này bình size nhỏ lại trở nên bất tiện.
Vậy nên, nếu chi phí là một yếu tố cần cân nhắc, bạn có thể tính đến việc mua bình size to ngay từ đầu để không phải thay size bình sau này. Một số loại bình size to, chỉ cần bạn mua thêm nắp (nếu có), là có thể tận dụng làm lọ đựng đồ sau khi bé không còn dùng để ăn nữa.
Lưu ý là tips này áp dụng trong trường hợp bạn dùng bình thủy tinh. Còn bình nhựa thì đằng nào bạn cũng phải thay sau 1 - 3 tháng sử dụng, bạn có thể lên size bình luôn khi thay mới.

#6 - Chú ý vệ sinh sạch sẽ và kiểm tra bình thường xuyên
Một trong những bộ phận dễ hư hại và cần thay thường xuyên nhất của bình sữa là núm ti. Núm ti bằng cao su dù mềm dẻo và có độ đàn hồi tốt hơn nhưng tuổi thọ không cao bằng núm silicone.
Khi vệ sinh bình sữa, bạn hãy thường xuyên quan sát núm ti. Nếu thấy hiện tượng như núm ti bị mỏng, nhão, chảy, cầm dính tay, đổi màu, nứt hoặc rách - cần thay núm ti mới ngay lập tức. Một dấu hiệu khác báo hiệu núm ti đến thời kỳ “về hưu” đó là tốc độ chảy của sữa nhanh hơn trước.
Vì bình sữa là dụng cụ ăn uống hàng ngày và không thể thay thế cho tới khi con chuyển sang giai đoạn ăn dặm, bạn hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh mỗi khi pha chế hoặc cho con ăn. Rửa sạch, luộc/hấp hoặc sấy khô và tiệt trùng UV sau mỗi lần sử dụng. Kiểm tra để phát hiện các vấn đề như bình bị sứt mẻ, nứt vỡ, ố màu… và thay mới ngay khi cần.
#7 - Lựa chọn dựa trên việc cân nhắc điều kiện và hoàn cảnh riêng
Không phải cứ bình đắt tiền, bình cao cấp, bình quý’s tộc là tốt. Quan trọng là con có thích, có hợp tác và có ăn ngoan với chiếc bình đó không.
Rất nhiều em bé vẫn lớn lên, ngoan ngoãn khỏe mạnh, từ chiếc bình sữa có giá chưa tới trăm ngàn. Những gì cha mẹ dành cho con luôn là những gì tốt nhất cha mẹ có thể dành cho con. Là một người mẹ, bạn không cần thấy áp lực vì mình không thể cho con đồ này đồ nọ như người này người kia. Chiếc bình tốt nhất với bé là chiếc bình bạn chọn cho con và là chiếc bình con ăn một cách vui vẻ.
Điều này cũng đúng với bất kỳ món đồ nào khác bạn dành cho con, từ khi còn bé tới lúc trưởng thành.
Và tip đặc biệt #8: Lựa chọn như một người mẹ hạnh phúc
Chắc chắn một điều, mình không viết bài này để phản đối việc cho con ti mẹ trực tiếp hay cổ súy ti bình. Bầu sữa mẹ vẫn là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất của tình mẫu tử. Và hình ảnh em bé áp mặt và bầu ngực mẹ vẫn là hình ảnh tuyệt vời và đáng tôn vinh nhất. Còn gì tuyệt vời hơn nếu như bạn có thể nuôi con hoàn toàn bằng ti mẹ trực tiếp?!
Điều mình muốn nói là, nếu như không thể ở trong hoàn cảnh lý tưởng như vậy, bạn hoàn toàn có những lựa chọn thay thế. Và dù bạn lựa chọn điều gì, bạn cũng có quyền tự hào và không bị phán xét về điều đó.
Quan trọng nhất là bạn đã lựa chọn những gì phù hợp nhất với bạn và với con - để em bé của bạn luôn là một em bé vui vẻ, thỏa mãn vì được cho ăn đúng cách, ăn no, ăn ngon.
Dù bằng phương thức nào - ti bình hay ti trực tiếp hay gì chăng nữa - việc cho bé ăn cũng nên là khoảng thời gian thoải mái, chất lượng với cả mẹ và bé. Có như vậy thì không bao giờ bạn cần băn khoăn về việc phải tạo sự kết nối hay gắn kết tình cảm giữa hai mẹ con.
Chúc bạn lựa chọn được chiếc bình sữa hoàn hảo nhất dành cho con và hạnh phúc nhất dành cho bạn.
From Marley with heart
P.S: Ti mẹ cũng được tính là hai “chiếc bình” luôn được refill sữa nha ;))
*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.
Comments